Làm thế nào để xác định phong cách thiết kế và vật liệu trong xây sửa nhà?

So với việc xây mới thì cải tạo, sửa chữa nhà cũng là vấn đề được nhiều gia chủ quan tâm. Trong đó, hạng mục gặp nhiều khó khăn nhất thường là lựa chọn phong cách thiết kế và vật liệu hoàn thiện. Vậy làm thế nào để định hình phong cách thiết kế nhanh chóng, hiệu quả? Nên chọn vật liệu hoàn thiện như thế nào cho hợp lý? Bài viết sau đây của AKINA sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này.

1. Cách xác định phong cách thiết kế khi xây sửa nhà

Trước khi bắt đầu quá trình xây sửa, cải tạo ngôi nhà, việc xác định phong cách thiết kế rất quan trọng. Đây là yếu tố quyết định thẩm mỹ cho tổng thể ngôi nhà, cũng như ảnh hưởng đến quá trình xem xét, lựa chọn màu sắc, vật liệu, đồ nội thất. Việc xác định phong cách thiết kế cũng giúp bạn xây dựng ý tưởng, kế hoạch nhanh chóng và đạt hiệu quả.

Có rất nhiều phong cách thiết kế đa dạng áp dụng được cho cả nhà phố, nhà ống hay căn hộ chung cư. Song nhìn chung, xu hướng xây sửa nhà hiện nay không chỉ chú trọng vào vẻ đẹp bên ngoài mà còn cần tối ưu công năng sử dụng, thân thiện với môi trường và gần gũi thiên nhiên.

Có thể là hình ảnh về nội thất và trong nhà

Để lựa chọn được phong cách thiết kế phù hợp, bạn nên khảo sát kỹ hiện trạng nhà cũ, nắm rõ loại hình nhà, diện tích, ưu nhược điểm của từng khu vực. Tiếp đó, cần xác định nhu cầu cũng như sở thích cá nhân của các thành viên trong gia đình. Từ đó, bạn có thể chọn lọc, cân đối để chọn ra phong cách thiết kế đáp ứng cả hai tiêu chí trên, đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa các không gian, thiết kế ngoại thất và nội thất, tránh sự rời rạc, khập khiễng sau khi hoàn thành.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần hiểu rõ đặc điểm của từng phong cách thiết kế để dễ dàng phân loại và lựa chọn. Dưới đây là một số phong cách thiết kế phổ biến mà bạn có thể tham khảo cho ngôi nhà của mình:

  • Phong cách thiết kế hiện đại (Modern)

Đặc trưng của phong cách thiết kế hiện đại là những hình khối đơn giản như vuông, chữ nhật, tròn kết hợp với màu sắc trung tính (trắng, be, nâu, đen). Không cầu kỳ hay nhiều chi tiết rườm rà, phong cách thiết kế hiện đại tập trung vào công năng và tạo điểm nhấn bằng nội thất hay vật liệu mới như bê tông, kính, thép… để mang đến vẻ sang trọng, tinh tế.

Gam màu trung tính, hình khối vuông vắn và vật liệu mới là đặc trưng điển hình trong phong cách thiết kế hiện đại 

  • Phong cách thiết kế Bắc Âu (Scandinavian)

Phong cách thiết kế Bắc Âu đặc trưng bởi nét tinh tế và phóng khoáng. Mặc dù đơn giản trong thiết kế, nhưng các đường nét trong phong cách này thường được kết hợp hài hòa, uyển chuyển để tạo nên cảm giác vừa giản dị vừa gần gũi. Phong cách thiết kế Bắc Âu sử dụng màu trắng và vật liệu gỗ làm chủ đạo, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và nhấn nhá thêm bằng hoa văn, màu sắc tinh tế.

Có thể là hình ảnh về nội thất và phòng khách

  • Phong cách Đông Dương (Indochine)

Phong cách Đông Dương mang nét đẹp hòa trộn giữa bản sắc của Việt Nam và phong cách Tân Cổ điển của Pháp. Không gian nội thất là sự kết hợp của gam màu trung tính như vàng nhạt, vàng kem, trắng và màu sắc của gỗ, đồ mây tre gợi được chất Á Đông. Các chi tiết trang trí, hoa văn hay đồ thủ công mỹ nghệ được thiết kế tinh xảo là điểm nhấn trong phong cách thiết kế này.

  • Phong cách thiết kế tối giản (Minimalism)

Với những người yêu thích sự tinh giản, gọn gàng thì phong cách thiết kế tối giản sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Phong cách này chú ý đến việc sử dụng các đường nét đơn giản, kết hợp có tính toán tạo nên một tổng thể chặt chẽ về bố cục mà vẫn giữ lại những khoảng không thoáng đãng, rộng rãi. Thông thường, có không quá ba màu trong không gian thiết kế tối giản: một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn. Ánh sáng cũng được xem như một yếu tố quan trọng để tạo hiệu ứng thị giác.

Có thể là hình ảnh về 1 người, nội thất và trong nhà

  • Phong cách thiết kế Wabi Sabi 

Phong cách thiết kế Wabi Sabi đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vài năm gần đây. Phong cách này có xuất xứ từ Nhật Bản, với tinh thần tôn trọng những gì đã cũ, nguyên thủy và không hoàn mỹ. Theo đó, chất liệu thô mộc như gỗ, đá, đất sét, kim loại, vải dệt, gam màu dịu nhẹ như xám, nâu, nâu đất hay be là chủ đạo, kết hợp với ánh sáng tự nhiên sẽ mang đến không gian sống thư thái, tĩnh tại.

  • Phong cách thiết kế Tân cổ điển (Neo Classic)

Nét đẹp sang trọng, thời thượng của phong cách thiết kế Tân cổ điển đặc trưng bởi sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Phong cách này chú trọng đến các chi tiết trang trí cầu kỳ, đường cong mềm mại kết hợp với đường phào chỉ của tường và trần nhà để tạo mảng miếng phân chia không gian. Các chất liệu cao cấp như da, gỗ, đá hoa cương được chế tác cầu kỳ để thể hiện sự quý phái, đẳng cấp.

  • Phong cách thiết kế Rustic hiện đại

Rustic là phong cách thiết kế nội thất tươi mới, mộc mạc, giản dị, tập trung nhấn mạnh vào vẻ đẹp tự nhiên. Yếu tố chính cho một không gian mang phong cách này là sự kết hợp của những đồ dùng hiện đại, những yếu tố kiến trúc bảo vệ thiên nhiên, gam màu như trắng, gỗ, đá và những ô cửa sổ lớn ngập tràn ánh sáng.

Có thể là hình ảnh về nội thất và phòng khách

 

  • Phong cách thiết kế Color Block

Phong cách thiết kế Color Block mang vẻ sinh động, tươi vui bởi sự kết hợp các mảng khối lớn, nhiều màu sắc tương phản nhau. Màu trung tính của tường có thể làm nền cho các màu rực rỡ hình vuông, chữ nhật hoặc tròn. Sự hấp dẫn của phong này không chỉ tạo nên bởi màu sơn tường, mà còn ở cách phối đồ nội thất, phụ kiện trong nhà.

Các hình khối rực rỡ xuất hiện liên tục mang đến ấn tượng thị giác thú vị

  • Phong cách thiết kế Tropical

Tropical là một trong những phong cách thiết kế được nhiều người yêu thích bởi đáp ứng tiêu chí đưa con người gần với thiên nhiên. Những tông màu của tự nhiên như xanh lá, vàng, kem, xanh dương được phối trộn tinh tế với họa tiết trang trí bắt mắt, đặc trưng. Đặc biệt, cây xanh là yếu tố không thể thiếu trong phong cách thiết kế này.

Có thể là hình ảnh về nội thất và trong nhà

Phong cách thiết kế Tropical mang đến không gian sống tràn ngập khoảng xanh, làm mát và thanh lọc không khí trong nhà

2. Cách chọn vật liệu hoàn thiện khi xây sửa nhà

Nếu vật liệu thô quyết định độ vững chắc và tuổi thọ của công trình thì vật liệu hoàn thiện như gạch lát sàn, sơn tường, đèn nội thất lại giống như một “lớp trang điểm” mang đến diện mạo khang trang cho ngôi nhà.

Tuy nhiên, việc lựa chọn vật liệu hoàn thiện khi xây sửa nhà lại là thách thức của không ít gia chủ, bởi không phải ai cũng có đủ kiến thức và am tường trong bối cảnh thị trường nguyên vật liệu phong phú như hiện nay.

Sau đây là những gợi ý chọn vật liệu hoàn thiện khi xây sửa nhà tương ứng với từng khu vực chức năng mà bạn có thể tham khảo:

2.1. Vật liệu lát sàn

Một mặt sàn được thiết kế hợp lý, khoa học vừa nâng tầm thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn, thoải mái cho mọi người. Gạch lát sàn cần phải phù hợp với thiết kế nhà, với mục đích sử dụng của từng không gian và có màu sắc hài hòa với tổng thể chung.

Thông thường, những ngôi nhà có diện tích lớn thì nên chọn vật liệu lát sàn có hoa văn nhỏ, hơi tối màu cho phù hợp với phong cách cổ điển, sang trọng. Còn đối với nhà phố, căn hộ chung cư có diện tích hạn hẹp thì nên chọn gạch có kích thước lớn, màu sắc tươi sáng nhằm đem đến cảm giác rộng rãi cho không gian.

  • Đối với phòng khách

Phòng khách là không gian được nhìn thấy đầu tiên khi bước vào ngôi nhà. Nếu không gian này rộng rãi, gia chủ có thể cân nhắc chọn những loại gạch cao cấp, có độ sáng bóng như đá cẩm thạch, hoa cương để tạo vẻ hiện đại, sang trọng. Với những người hoài cổ, yêu thích sự truyền thống thì sàn gỗ với màu sắc ấm áp sẽ mang lại sự gần gũi, thân thuộc hơn.

Nên chọn gạch lát sàn cao cấp, màu sắc trang nhã để nâng tầm thẩm mỹ cho phòng khách

Gạch màu xám giúp căn bếp thêm phần thông thoáng, sạch đẹp

  • Đối với phòng ngủ

Phòng ngủ là không gian nghỉ ngơi, thư giãn để các thành viên “sạc” năng lượng sau ngày dài học tập, làm việc. Trong đó, màu sắc của vật liệu lát sàn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm trạng, tinh thần của người ở. Vì vậy, bạn nên chọn gạch có hoa văn nhỏ, kích cỡ không quá lớn để tránh tạo cảm giác thu hẹp phòng, gây bí bức, khó chịu. Ngoài ra, các loại ván sàn gỗ thô đơn giản, tông màu ấm với đặc tính mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông cũng rất phù hợp với không gian này.

Sàn gỗ mang đến cảm giác ấm cúng, gần gũi cho không gian phòng ngủ

2.2. Sơn tường

Màu sơn tường có thể tác động mạnh mẽ đến giác quan, làm thay đổi cảm nhận về kích cỡ và bầu không khí trong ngôi nhà. Thông thường, những gam màu sáng sẽ tạo cảm giác rộng mở, thông thoáng, trong khi những gam màu tối lại tạo cảm giác thu hẹp, riêng tư và thân mật hơn.

Xu hướng thiết kế nhà cửa hiện nay đề cao những màu sắc tự nhiên để giải tỏa căng thẳng, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho gia đình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Một số màu sắc sau đây sẽ là gợi ý hữu ích cho không gian nhà bạn:

  • Màu sơn phòng khách

Phòng khách là khu vực chung lý tưởng để thử nghiệm bảng màu sơn phong phú. Những gam màu trắng, vàng, hồng phấn sẽ tạo nên một không gian tiếp khách ấm áp và thoải mái. Trong khi những gam màu lạnh như ghi, xám lại mang đến bầu không khí lịch thiệp và sang trọng.

Với phòng khách sơn màu sáng, bạn có thể tạo điểm nhấn bằng các đồ dùng nội thất có họa tiết vui nhộn 

  • Màu sơn phòng ngủ

Không gian phòng ngủ mang hơi hướng riêng tư, thân mật hơn. Vì vây, bảng màu dịu mắt, trung tính là lựa chọn hoàn hảo nhằm mang đến bầu không khí thư thái, yên bình cho giấc ngủ của các thành viên.

Sơn tường phòng ngủ nên sử dụng gam màu nhẹ nhàng để các thành viên dễ dàng thả lỏng, thư giãn

  • Màu sơn phòng bếp

Bạn có thể sử dụng màu trắng cho phòng bếp để tạo cảm giác thoáng đãng, sạch sẽ và tạo điểm nhấn bằng hệ tủ bếp hay thiết bị nhà bếp. Nếu muốn căn bếp sinh động hơn, bạn cũng có thể thử các gam màu trung tính như màu be, màu kaki hay màu sắc rực rỡ như xanh lá, da cam, vàng để tăng thêm phần hứng khởi.

Có thể là hình ảnh về nội thất và bếp

Hệ tủ bếp hay đồ nội thất, trang trí cũng có thể mang đến màu sắc tươi vui cho không gian nấu nướng

2.3. Hệ thống chiếu sáng

Bên cạnh gạch lát sàn và sơn tường, hệ thống đèn cũng là yếu tố cần chăm chút tỉ mỉ để chiếu sáng và nâng tầm thẩm mỹ cho không gian, nội thất. Tùy thuộc vào sở thích cá nhân và phong cách thiết kế, bạn có thể lựa chọn đèn với kiểu dáng đơn giản như đèn rọi, đèn thả trần hay kiểu dáng cầu kỳ, tinh xảo như đèn chùm. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo kích thước đèn và công suất chiếu sáng phù hợp với diện tích từng không gian.

Đèn thả trần lồng kim loại độc đáo cho hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt 

  1. 3. Sai lầm nên tránh khi chọn vật liệu hoàn thiện trong xây sửa nhà

  • Lựa chọn vật liệu hoàn thiện theo số đông

Tâm lý chung của nhiều người là lựa chọn sơn tường, gạch ốp lát, thiết bị chiếu sáng theo số đông mà không chịu tìm hiểu, đối chiếu lại thông tin của các sản phẩm trên thị trường. Điều này không chỉ gây tốn kém nếu vật liệu không phù hợp với tổng thể thiết kế chung, mà đôi khi còn khiến bạn bỏ qua những lựa chọn tốt với giá thành hợp túi tiền hơn.

Cách làm đúng đắn là nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực hoặc KTS, đơn vị thi công xây sửa nhà để có những lựa chọn phù hợp.

  • Không tìm hiểu đặc tính của sản phẩm

Các nhà sản xuất đang không ngừng cải tiến và chú trọng hơn đến việc tạo ra các đặc tính độc đáo cho vật liệu. Tuy nhiên, nhiều người khi lựa chọn vật liệu hoàn thiện chỉ tập trung vào hình thức, giá cả mà xem nhẹ việc tìm hiểu kỹ các đặc tính này. Do đó khi sử dụng không hiểu và khai thác tối đa công năng sử dụng của vật liệu, cũng như không biết cách bảo trì, bảo dưỡng để kéo dài tuổi thọ cho vật liệu.

  • Lựa chọn vật liệu hoàn thiện rời rạc, thiếu đồng bộ

Về cơ bản, lựa chọn vật liệu hoàn thiện ra sao phụ thuộc vào phong cách thiết kế, sở thích và tư duy thẩm mỹ khi xây sửa nhà. Những gia chủ mới xây sửa nhà lần đầu thường sa đà vào muôn vàn chủng loại, màu sắc vật liệu, cuối cùng đưa ra những lựa chọn rời rạc, khiến tổng thể ngôi nhà mất liên kết và tính thống nhất.

Tốt nhất khi đã chốt phong cách thiết kế, bạn nên tìm hiểu kỹ đặc trưng của phong cách đó để vạch ra các phương án loại vật liệu, màu sắc đồng bộ.

Mong rằng bài viết này của AKINA đã giúp bạn hiểu thêm về đặc điểm của các phong cách thiết kế và cách lựa chọn vật liệu thích hợp với từng không gian. Để từ đó, bạn có thể chọn cho mình một loại vật liệu chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế mà vẫn giữ gìn được độ bền đẹp của nhà ở sau khi sửa chữa và cải tạo.

==> Xem quy trình và báo giá cải tạo nhà của AKINA tại đây

 

One thought on “Làm thế nào để xác định phong cách thiết kế và vật liệu trong xây sửa nhà?

Comments are closed.